Thế là từ chỗ không biết rõ nguyên do tại sao họ lại ly hôn thì nay hàng xóm biết tới tận chân tơ kẽ tóc. Mọi người chỉ còn biết cười nhạt: thôi, nhà đó được cả vợ lẫn chồng!
Kể cả đàn ông hay đàn bà, đều sợ bị tổn thương. Chỉ có điều cái sự tổn thương ấy ở mỗi người nó để lại lại những hậu quả lớn hay nhỏ mà thôi. Nhưng tuyệt nhiên không ai muốn vì người mình từng yêu thương, trân trọng, người cùng chăn cùng gối, cùng con cái cùng từng chia ngọt sẻ ngọt bùi mà phải bị tổn thương. Cái sự quay lưng lại với nhau ấy, người ta cùng lắm, bất đắc dĩ lắm mới phải nhắm mắt đưa chân vào.
Không ai muốn đưa mình tới đường cùng của một cuộc hôn nhân, bởi trong lễ cưới, cái nắm tay thật chặt của hai người, cái ánh nhìn ngập tràn tình ý… là thể hiện cái nguyện ước được làm bạn cùng nhau tới đầu bạc răng long, tới đoạn cuối cùng của chặng đường đời lắm nỗi đắng cay nhưng cũng nhiều ngọt ngào ấy. Vậy nên, khi bắt buộc phải chọn lựa cách ly hôn chính là tự làm bản thân mình bị tổn thương nặng nhất và đồng thời cũng làm người bạn đời của mình bị tổn thương. Không ai muốn và không ai có thể chuẩn bị tâm lý cho cái ngày kết thúc một cuộc tình mà ta hằng tôn thờ và tin tưởng ấy. Nên nó thực sự là một cú sốc. Một cú sốc tâm lý hậu ly hôn mà không phải ai cũng có thể sáng suốt và bình yên bước qua, cũng không phải ai cũng đủ tỉnh táo và khôn ngoan cho một cái kết thúc đẹp. Bởi bản chất của nó thực sự không phải là một chuyện tốt đẹp trong đời.
Nên biến một kết thúc không có hậu thành một cái gì đó tốt đẹp trong ấn tượng của chính người trong cuộc đã khó chứ đừng nói đến việc để người ngoài cũng nhìn vào mà thầm khen.
***
Nhiên và Phúc cũng vậy, họ gặp nhau khi cả hai đã trưởng thành và không còn trẻ nữa. Thấy người đàn ông ga lăng lại khéo ăn khéo nói nên Nhiên có cảm tình ngay, Phúc thì thấy ở Nhiên là cô gái mồm mép, xinh xắn, đôi mắt nhìn như biết cười. Họ cảm mến nhau từ ngày gặp đầu tiên ấy. Rồi nhanh chóng về làm vợ làm chồng với nhau. Cuộc sống vợ chồng son đúng là vô cùng ngọt ngào. Hai người không ngừng ca ngợi và hài lòng về người bạn đời của mình.
Nhưng rồi khi tiếng đã nghe quen, hơi đã thuộc, không còn nhiều háo hức như buổi ban đầu nữa. Cuộc sống dần trầm lắng đi nhưng nếu như người phụ nữ chấp nhận nó với ít nhiều bình thản và bản lĩnh hơn thì người đàn ông lãng mạn và ga lăng trong cái gai định bé nhỏ ấy vẫn không ngừng phong tình và tìm kiếm những điều lãng mạn ở bên ngoài. Những tiếng ngọt ngào thôi không còn nói cho nhau nghe. Cuộc sống của hai người bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những tiếng rít hờn cố nén, nhưng tiếng khóc thút thít khi đêm về, những tiếng làu bàu mở cửa giữa đêm khuya, hơi rượu nồng nặc kèm chút hương hoa đàn bà lạ…
Sau hơn một năm lấy nhau, Nhiên không còn tìm thấy người đàn ông mà ngày đầu mình yêu thương nữa. Không phải là đổ lỗi cho đàn ông, nhưng khi mà bản năng chinh phục và hiếu thắng của họ mãi mãi không khi nào tắt khi đứng trước con mồi là đàn bà thì người bị tổn thương nhiều nhất cũng chính là một người đàn bà khác! Nhiên học cách cắn răng chịu đựng, đợi đứa con trong bụng chào đời bình an rồi sẽ tính tiếp đời mình với một chút hi vọng mong manh rằng: có con Phúc sẽ hồi tâm chuyển ý quan tâm hơn tới gia đình và mẹ con cô. Nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng. Phúc bỏ mặc vợ con đi tối ngày ra ngoài thì ngọt hơn mía lùi về nhà thì gắt ngảu, cấm cảu hơn chó cắn ma. Đời người phụ nữ như Nhiên coi như đã lỡ mất bến trong của đời mình, ở giữa bến đục mà tủi mà hờn.
Khi con được hơn hai tuổi, cuộc hôn nhân vốn đã tắt lửa, tắt thương yêu từ lâu ấy Nhiên muốn kết thúc. Nhưng thật oái oăm là chồng nhiên lại không đồng ý ly hôn. Nhiên mặc Phúc làm trò, tự mình mở một quán ăn nhỏ bán cơm cho công nhân và cánh lái xe trên một đoạn đường gần khu công nghiệp của thành phố để có thể kiếm tiền và trang trải cho sinh hoạt của hai mẹ con. Nhiên vốn xinhđẹp, lại khóe ăn khéo nói nên đám đàn ông con trai khi vào quán ăn cơm, thức ăn Nhiên nấu ngon lại thêm bà chủ ngọt nên lời ong tiếng ve xuất hiện láng váng tới tai Phúc. Anh ta ghen lồng ghen lộn, cái trò nghen ngược ấy không phải chỉ mình Phúc mà rất nhiều người có. Cái kiểu vừa ăn cắp vừa la làng khiến Nhiên hoàn toàn muốn đoạn tuyệt. Nếu như không thể thay đổi được một con người thì tốt nhất là tự thay đổi cuộc đời của mình.
Cuối cùng thì vợ chồng ly hôn với lý do đôi bên không còn hợp nhau. Hàng xóm láng giềng cũng chỉ biết lắc đầu, thôi, thế là xong một gia đình, chỉ tội cho con bé nhỏ. Giờ không có đủ mẹ đủ cha. Còn nhà nào chẳng có chuyện cãi vã, mẫm bát còn có lúc xô. Thế nhưng, chuyện chưa dừng lại ở đó. Họ bắt đầu kể tội nhau. Từ đầu là Phúc, Phúc kêu Nhiên ra quán làm đi với thằng nọ thằng kia, mắt khi nào cũng lúng liếng liếc trai, đôi mắt ngày xưa mà Phúc bảo biết nói, thì bây giờ anh ta bảo nó biết đưa tình, ve vãn, tán tỉnh… Và hạng đàn bà như thế đáng để bỏ. Chẳng biết có thật hay không, nhưng những bà tám của khu lại có dịp thêm mắm thêm muối cho cái cốt truyện mà Phúc kể ấy thêm ly kỳ và hấp dẫn. Không có lửa làm sao có khói, bỗng dưng mọi người lại có cái nhìn hoài nghi đối với Nhiên. Bởi những lời ấy dó chính chồng cô nói ra, hơn nữa, tại sao lại ly hôn? Chắc có lẽ cũng một phần nguyên nhân là ở chỗ đó!
Nhưng nếu như Nhiên lặng im và cứ đường hoàng mà sống thì lại đành một nhẽ, có thể người ta sẽ nghĩ lại. Nhưng Nhiên không nhịn được “lành làm gáo, vỡ làm muôi”, nếu không thì chẳng cần làm cái gì cả. Nhiên tố cáo Phúc đi với ai, ngủ với gái ở đâu, tố cáo anh ta không đưa tiền nuôi con, chỉ chăm chăm gái gú… bao nhiêu chuyện “xấu chàng hổ ai” được Nhiên lôi ra đấu khẩu cùng Phúc trong một lần hai người gặp nhau tại nhà cũ để phân chia đồ đạc.
Quả nhiên, khi tức giận, cách làm khôn ngoan nhất là im lặng. Nhưng đó cũng chính là cách làm khó khăn nhất mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh để làm được. (ảnh minh họa)
Thế là từ chỗ không biết rõ nguyên do tại sao vợ chồng ly hôn thì nay hàng xóm biết tới tận chân tơ kẽ tóc. Mọi người chỉ còn biết cười nhạt với nhụa: thôi, nhà đó được cả vợ lẫn chồng! Vậy là chính họ “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng trong lúc nóng giận và cả uất hận người từng là bạn đời của mình ấy, họ nói cho sướng miệng, làm sao lôi được thật nhiều tội lỗi của người kia ra mà xỉ vả cho hả lòng hả dạ, có một cũng phải thêm vào cho thành chín thành mười. Thế nhưng hậu quả phía sau của nó thật cũng chẳng ngọt ngào như những lời buộc tội tố cáo nhau ăn chả ăn nem.
Sau hơn một năm ly hôn, Phúc chuẩn bị đám cưới với một người đàn bà ở tỉnh khác. Nhưng trong một lần về chơi nhà bạn trai, chị nghe được những lời hay ý đẹp từ cuộc hôn nhân trước của Phúc như: thằng ấy lăng nhăng với gái nên vợ nó bỏ. Đàn ông đã có máu lăng nhăng thì có mà giời can cũng không hết! Ngựa lại quen đường cũ ngay thôi!... Để rồi người đàn bà ấy lặng lặng chấm dứt mối quan hệ với Phúc mà không một lời giải thích!
Còn Nhiên cũng vậy, Nhiên cũng muốn tìm một người đàn ông tử tế để nương tựa những lúc yếu mềm, san sẻ những lức khó khăn, cô đơn. Làm đàn bà sợ nhất là cô đơn. Nhưng Nhiên cũng chẳng được may mắn hơn Phúc hết người đàn ông này đến, rồi người khác lại đi. Lần lượt bước qua đời Nhiên nhanh như một khách đường xa quán trọ. Họ hỏi xa hỏi gần về người đàn bà bỏ chồng lần một ấy và hẳn không tránh được cái cẳm giác “lăn tăn”. Khi mà những lời bóng gió qua lại kiểu như: nghe nói bỏ nhau vì ông ăn chả bà ăn nem; gớm lấy đĩ về làm vợ được chứ ai lấy vợ về làm đĩ…
Quả nhiên, khi tức giận, cách làm khôn ngoan nhất là im lặng. Nhưng đó cũng chính là cách làm khó khăn nhất mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh để làm được. Thứ hai nữa là tôn trọng nhau ngay cả khi lòng tôn trọng đó đối với người bạn đời của mình đã bị khoảng thời gian “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” làm cho tiêu tan đó cũng chính là cách ta tự cố gắng giữ gìn và tôn trọng chính bả thân mình. Ví như Nhiên, chẳng ai biết cô có ăn nem như Phúc nói hay không? Nhưng chính trong lúc giận dữ, Nhiên đã vô tình khiến cho mọi nghi ngờ, hồ nghi trong lòng Phúc biến thành sự sự thật sờ sờ mà cô có thanh minh kiểu gì cũng không hết được.
Cho nên, để cho người khác một con đường để bước tiếp cũng chính là cách mở rộng con đường của chính mình. Bát nước cùng nhau đong thì cũng đừng hất cho tới cạn. Hãy làm cho cuộc ly hôn của mình đừng trở thành một bản kiểm điểm có quá nhiều tội lỗi. Hãy coi đó là một lá thư chia tay người yêu với nhiều nuối tiếc cho nhau để mỗi người còn có người khác thèm muốn khi nhìn vào!
Có lẽ, mọi người ai cũng biết diễn viên Lý Á Bằng, khi chia tay Vương Phi, anh đã viết: “Tôi cần một gia đình, còn em sinh ra để trở thành huyền thoại. Tôi nhớ quãng thời gian tươi đẹp chúng ta từng trải qua, yêu em như ngày đầu nhưng lòng mâu thuẫn. Từ bỏ là điều duy nhất tôi có thể làm cho em. Mong em vui vẻ!” Dù chúng ta chẳng biết được nội tình sâu xa của họ, nhưng cách cư xử đẹp và tôn trọng người bạn đời của Lý Á Bằng khiến cho hình tượng của anh trong lòng người hâm mộ không bị mất mát! Còn chúng ta, hãy cố gắng để chính cuộc đời mình không bị mất mát quá nhiều khi buộc phải chấp nhận một lần thay đổi đau đớn trong đời! Hãy để ly hôn là một bài học quý báu, đừng biến nó thành một bài học quá đớn đau và khiến ta lún càng sâu trong thất bại của đời mình!
Nguồn đăng: eva.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét